Đăng nhập
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE CỦA CLB SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUẬT BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM!

Bạn yêu thích Văn học, Nghệ thuật...Bạn có tác phẩm: Truyện ngắn, Thơ,v.v...muốn quảng bá đến quần chúng. Hãy gửi tác phẩm đến Ban Biên Tập Thocavannghe.Club Chúng tôi sẽ biên tập, đăng lên Website và quảng bá rộng cho bạn

Người tham gia các Hội phải có Nghề chứ không phải “chạy” vào cho… oai – Kỳ 2
Lượt xem: 76

01-06-2021 08:42


Nhà văn Trương Thị Thương Huyền

Về ý kiến của nhà thơ Lê Va – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hòa Bình khi trả lời phỏng vấn Vanvn.vn có ước mơ rằng, giá như có quyền ông sẽ thành lập Hội lại từ đầu, nhà văn Trương Thị Thương Huyền – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hải Dương thẳng thắn: “Tôi rất nhất trí với ý kiến của nhà thơ Lê Va. Và nói thẳng là không riêng gì các Hội địa phương đâu, ngay cả Hội Nhà văn Việt Nam hay các chuyên ngành khác của trung ương cũng thế đó ạ. Nhiều người tìm mọi cách vào Hội nhưng không có khả năng sáng tác, vào xong có “cái thẻ” đi ra oai với thiên hạ, biến Hội thành… phong trào. Anh Lê Va nói phong trào còn nhẹ, tôi còn nghe được có người họ bảo “tên đó” mà còn vào được Hội bảo sao Hội không thành Hôi… Nặng. Nghe đau lắm chứ! Đó cũng là lý do mà thiên hạ (kể cả những người đã từng công tác, tham gia ở các Hội gần đây) quay lại mỉa mai, bôi bác Hội, đòi giải tán Hội vì Hội là gì nhỉ… à nuôi báo cô. Cực đoan với Hội quá thế xem ra cũng… ẩn ức quá!”

>> Cất lên tiếng nói của người dân theo cách riêng – Kỳ 1

 

Tâm đắc những gì nhỏ bé, dịu dàng nhất của Trường Sa & sẻ chia với vợ lính ở hậu phương

* Thưa nhà văn, với tập bút ký Trường Sa! Trường Sa! bà đã được trao giải thưởng văn học về biển đảo của Bộ Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam. Những câu chuyện hay vấn đề nào đặt ra từ tập sách này bà cảm thấy tâm đắc?

– Quần đảo Trường Sa và kể cả các vùng biển đảo khác của Tổ quốc vốn dĩ là mảnh đất “không hề rộng” đối với VHNT. Mỗi năm, có biết bao đoàn công tác, đoàn khách ra làm việc và thăm đảo, đi cùng đó là cơ man những cây bút chuyên và không chuyên tham gia viết về vùng đất này. Mà đảo thì cũng vẫn những hoạt động đó thôi. Nếu không cẩn thận, sẽ đi vào lối mòn, thậm chí có thể vô tình bị coi là “đạo” khi anh không thể viết ra những gì người đi Trường Sa trước đó chưa viết.

Khi đến Trường Sa lần thứ nhất vào tháng 12.2015 và lần thứ 2 tháng 12.2016, may mắn mỗi đảo nổi ở Trường Sa tôi được sống trên đó từ 3 đến 5 ngày, cũng như tất cả các vùng biển đảo khác từ Vùng 1 tới vùng 5, điều tôi quan tâm dứt khoát không phải là những gì những người đi trước tôi đã khai thác, thậm chí khai thác tới mức “cạn kiệt” như tinh thân vượt khó, sẵn sàng chiến đấu, tính kỷ luật… Tôi thích ngắm nhìn những người lính đảo giữa những điều mềm mại của cuộc sống thường ngày khi họ trong vai trò là con, là chồng, là cha, là người yêu và là bạn… rồi mới bật lên những nội dung khác, nhưng là thông qua những thủ thỉ trò chuyện chứ không phải những phát biểu mà tôi nghe được khi các chiến sĩ trả lời báo đài. Nói vậy không phải tôi chê khi đó họ không phải là họ, kẻo lỡ ai đó có tính suy diễn họ thêm hành thêm tỏi lại lôi thôi…

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền và các đồng nghiệp ở Trường Sa

Chính vì vậy, trong những chuyến công tác biển đảo, tôi thường xách máy ảnh lủi thủi một mình, không ồ ạt theo đoàn, không phỏng vấn chi chát… tôi thích quan sát những ngóc ngách ít người lui tới trên đảo, thích kín đáo ngắm những chàng trai khi họ trồng rau, nuôi lợn hay đơn giản họ ngồi một mình trên bờ kè, ngắm sóng  từ ngoài khơi ập vào những dãy cọc chống đổ bộ… Nói gọn gàng là tôi tâm đắc từ những gì nhỏ bé, dịu dàng nhất trong suộc sống của quân dân trên đảo để từ đó họ gồng gành những điều lớn lao khác trên vai.

* Từ thực tế đó bà có đồng cảm, chia sẻ gì với những người vợ hậu phương đất liền đang có chồng công tác ở Trường Sa?

– Thực ra thì mọi người đều thừa nhận lấy chồng bộ đội là thiệt thòi rồi, bộ đội Trường Sa thì càng thiệt thòi hơn vì cách trở địa lý và cách trở cả thông tin liên lạc. Mấy năm gần đây, khi chế độ đãi ngộ đối với quân đội được nâng lên thì nhiều người bên ngoài bảo “bộ đội lương cao thế có gì mà thiệt”. Có trong hoàn cảnh mới biết, khi nhà có công to việc cả, khi bố mẹ già yếu, ốm đau, khi con nhỏ, khi mình ốm, hoặc chống ốm… hoặc đơn giản, khi giao thừa nhà bạn đông đủ mà nhà tôi chỉ có một nửa, khi dịch bệnh, thiên tai cần bộ đội ra tuyến đầu với những mất mát rình rập… lúc ấy, mới thấu hết “cái giá” của lương cao” và sự nhẫn nại hy sinh âm thầm của những người vợ lính.

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền đến chia sẻ với trẻ em vùng cao nghèo khó

Hải Dương thời nào cũng có những vĩ nhân gắn với những sự kiện vĩ đại

* Chuyện đảo Trường Sa là thế còn quê hương Hải Dương của nhà văn, vùng đất thiêng giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, với những danh nhân công nghiệp rạng rỡ và số phận bi kịch. Theo bà, Hải Dương trong quá khứ lẫn hiện tại có điều gì khác biệt so với các vùng đất khác?

– Thực chất, mỗi miền đất đều có nguồn gốc phát tích, có truyền thống và hiện tại nên đem so sánh quê hương xứ sở của mình với nơi khác đề mà “dâng” quê mình thành duy nhất tuyệt vời thì không hay chút nào. Chỉ biết với riêng tôi, và những người tham gia hoạt động VHNT hiện nay ở Hải Dương thì đây là mảnh đất có rất nhiều “mạch ngầm” để khai thác trên tất cả mọi lĩnh vực từ xưa xa tới hiện tại và đương nhiên là chúng tôi tự hào về tất cả những điều đó của Hải Dương.

* Những “vỉa tầng” nào của quê hương Hải Dương mà nhà văn cảm thấy ưng ý khi phản ánh trong tác phẩm của mình cũng như những điều bà nung nấu mà chưa thể hoàn thành?

– Hải Dương có nhiều điều để khai thác, khám phá và viết. Đó không phải chỉ là một vùng đất thuần nông, hiền hiền với nhiều di tích danh thắng đâu. Thời nào, mảnh đất này cũng có những vĩ nhân gắn với những sự kiện vĩ đại cụ thể ở mọi lĩnh vực. Tôi thì chỉ là người viết mà tài có hạn nên chỉ mới khai thác những gì mà tôi thật sự hiểu biết về nó. Ví dụ về nông thôn, nông dân… về sự chuyển mình của quê tôi hiện tại cùng cuộc sống số, cùng sự mở cửa đón những luồng gió mới trong sản xuất, làm ăn, sinh sống… Nói thật là sự ưng ý của tôi với những gì mình đã viết thì nhỏ nhoi thôi, còn ối điều mình nhìn thấy, thậm chí mình chứng kiến đấy, nghĩ có lẽ về viết được ngay nhưng rồi lại “tịt” bởi… chả biết bắt đầu từ đâu. Ví dụ, khi ngồi dự một cuộc họp, nghe mấy người phát biểu, mấy sự tranh luận đã thấy “à, có khi mình viết về cái này thú vị đấy” nhưng rồi… thấy mình bất lực!

* Hải Dương có những cây bút thành danh đã chuyển hộ khẩu sinh sống ở nơi khác. Theo hiểu biết của nhà văn, họ còn có mối quan hệ chặt chẽ với quê hương, trong đó có Hội VHNT tỉnh Hải Dương?

– Vâng, Hải Dương quê tôi có nhiều cây bút thành danh mà hiện tại họ không sinh sống ở Hải Dương nữa nhưng họ vẫn có mỗi quan hệ chặt chẽ với quê hương. Họ còn mồ mả tổ tiên ông bà, nhiều người còn bố mẹ già đang sống ở Hải Dương, và nói thật là dù gì thì họ vẫn là người Hải Dương nên có thể họ liên hệ hay không liên hệ với Hội VHNT tỉnh thì khi đọc họ tôi thấy Hải Dương vẫn thấp thoáng trong tác phẩm của họ. Và cũng còn có những người tham gia trực tiếp vào việc động viên, bồi dưỡng những cây bút trẻ của Hải Dương, hoặc quảng bá, giới thiệu VHNT và các lĩnh vực khác của Hải Dương ra với bè bạn… Những điều đó đôi khi họ âm thầm làm nhưng đó là tấm lòng của họ với đất quê đó anh.

Nhà thơ Phan Hoàng và nhà văn Trương Thị Thương Huyền tại phòng triển lãm Hội VHNT tỉnh Hải Dương

Người tham gia các Hội phải có Nghề chứ không phải để cho oai

* Trước khi trở thành nhà văn, nhà báo Trương Thị Thương Huyền, bà vốn là giáo viên rồi chuyển sang sáng tác văn học chuyên nghiệp, lần lượt giữ nhiều chức trách trước khi đứng đầu Hội VHNT tỉnh Hải Dương. Bà cảm thấy đâu là thuận lợi và khó khăn của mình khi làm công tác lãnh đạo hội nghề nghiệp?

– Đúng là mỗi lĩnh vực một khác nhau. Tôi được đào tạo để đi dạy văn, sau tay ngang chuyển sang viết văn chứ đâu có được học bài bản trường lớp để viết văn, xong rồi chuyển qua công tác rồi làm Chủ tịch Hội. Thuận lợi và khó khăn khó phân định rạch ròi lắm. Bởi vì lãnh đạo Hội VHNT như tôi thì chỉ biết viết văn, viết báo mà Hội thì có tới 9 chuyên ngành. Gặp hội viên say mê sáng tác, không quan tâm tới quyền lợi, không vỗ ngực “Ông đây” còn dễ, Chủ tịch Hội còn được tôn trọng. Còn không á, với chuyên ngành khác ngoài văn thì “Mày biết gì về điêu khắc? Kiến trúc…???”.

Thế nên, để làm lãnh đạo Hội tôi hay nói đùa là cần phải có “ba đầu, sáu tay” (cười)… nên thôi, cứ thuận khúc nào bước nhanh khúc đó. Khó chỗ nào ngập ngừng rồi gỡ chỗ đó thôi. Đến ngay cơ cấu tổ chức Hội còn ậm ờ, không thống nhất được thành ngành dọc từ trung ương tới địa phương mà mạnh tỉnh nào tỉnh ấy sống phụ thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đó với VHNT thì việc làm lãnh đạo Hội thuận ít khó nhiều là điều hết sức bình thường.

May cho tôi là hội viên của Hội VHNT tỉnh Hải Dương 90% là say mê sáng tác, không háo danh hay đòi hỏi quyền lợi lại giầu tính chia sẻ, nhân văn nên tôi làm Chủ tịch Hội cũng thấy được động viên, nhất là những anh chị đã từng làm lãnh đạo Hội tiền nhiệm của tôi, họ đều sẵn sàng “đỡ” tôi khi tôi cần mà không bao giờ tỏ ra công thần đòi tôi phải thế này, phải thế kia. Chứ nếu khó khăn phức tạp, cãi nhau như mổ bò như một số hội khác chắc tôi cũng chịu, chả dám cáng đáng cái chức quyền rơm vạ đá này.

* Được biết ở Hội VHNT Hải Dương có một số Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trong khi Chủ tịch Hội chưa phải là hội viên, vậy bà có chút khúc mắc gì trong ứng xử với nhau?

– À, vụ này cũng nhiều chuyện hay. Hầu hết các tác giả là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Hải Dương đều rất đáng trân trọng và họ thực sự cũng trân trọng những bạn viết khác, trong đó có tôi. Nhưng cũng có người khi có “thẻ hội viên” hội nhà văn thì khinh tôi ra mặt chứ (!). Nhưng vui vì số này cực ít. Còn chuyện ứng xử với nhau thì với tôi rất sòng phẳng. Tôi trân trọng tác phẩm và nhân cách của bạn viết chứ tôi không trân trọng “cái thẻ” ai đó đeo trên ngực. Thế nên ai đó có thẻ mà gặp tôi này nọ, tôi nói ngay “kính mời lên Hội Nhà văn mà oai” bởi họ quên mất một điều rằng, ngoài Hội Nhà văn còn có các Hội chuyên ngành khác, thế những người là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam… người ta không “oai” chắc, mà chỉ vì quý vị là Hội viên Hội Nhà văn lại đến đây gạnh sự với tôi (?).

Và cũng có những chuyện nực cười, có những người làm hồ sơ xin vào Hội Nhà văn Việt Nam phải có xác nhận của Hội địa phương (có nghĩa là anh phải là hội viên hội địa phương thì mới vào được Hội chuyên ngành); ấy nhưng sau khi Hội xác nhận vào hồ sơ, đến lúc được kết nạp vào Hội Nhà văn “bỗng dưng” quên xừ mất chuyện đó, tịnh chả bao giờ nhắc đến Hội VHNT tỉnh nữa. Thế thì, tư cách gì để lên mặt với nhau. Còn đương nhiên, với những người trân trọng mình thì mình phải trân trọng họ chứ ạ. Với cả chuyện là Hội viên Hội Nhà văn hay không nó cũng còn nhiều lý do lắm, đâu có phải ai viết văn cũng làm hồ sơ xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Điều này thì tôi tin, đại đa số các nhà văn đang là Hội viên Hội Nhà văn hiểu điều đó.

Sắc màu của Văn phòng Hội VHNT Hải Dương mà Chủ tịch Trương Thị Thương Huyền là “hạt nhân”

* Dường như bất cứ Hội VHNT nào cũng xảy ra những chuyện không hay, nhất là những hội viên thiếu khả năng sáng tác nhưng hay đôi co đòi hỏi quyền lợi, thậm chí có những ứng xử vô văn hóa. Gặp những trường hợp như vậy, bà ứng xử ra sao?

– Tôi quan điểm rất rõ ràng “Đi với bụt thì mặc áo cà sa/ Đi với ma thì phải mặc áo giấy”. Và tôi đồng ý rằng: có ý kiến, có đòi hỏi và tranh luận để đi đến lẽ phải trên cơ sở tôn trọng nhau chứ đừng mượn danh nghệ sỹ để mà giở trò làm nhục, xúc phạm nhau là không được. Với những hội viên như anh vừa hỏi ấy, nếu họ hạn chế “không tiếp cận kịp” với các chế độ chính sách, trong đó có quyền và nghĩa vụ hội viên (có nghĩa là họ vô thức mà ứng xử không hay) thì trước hết giải thích theo tính lý, lý tình đã. Giải thích không hiểu thì có quy định rồi, cứ thế mà làm.

Còn với thành phần lợi dụng danh nghĩa văn nghệ sỹ này nọ mà xúc phạm thì cứ theo luật. Trước hết là luật công dân bình đẳng với nhau trước pháp luật, anh xúc phạm tôi vô cớ thì anh không xong rồi. Thứ hai là theo Điều lệ Hội mà anh đang là hội viên với những quy định rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm rồi, dù là ai, Chủ tịch Hội hay hội viên thì cũng phải tuân thủ các quy định đó. Còn anh tài thì anh hưởng những gì cái tài đó mang đến, tác phẩm của anh mang tên anh, tiền thu từ tác phẩm đó anh và gia đình anh hưởng, Hội hay Tỉnh có đứng tên trên tác phẩm, có tiêu tiền thu được từ tác phẩm của anh đâu hay Hội và tỉnh chỉ tạo điều kiện, tạo sân chơi, tạo môi trường có sự động viên cho anh sáng tác, quảng bá? Thế thì cơn cớ gì anh lại đến khệnh khạng, kẻ cả, đòi hỏi yêu sách với Hội, với tỉnh được. Tre có chỗ chẻ hết thôi mà.

* Nhà thơ Lê Va – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hòa Bình trả lời phỏng vấn Vanvn.vn có ước mơ rằng, giá như có quyền thành lập Hội lại từ đầu vì có nhiều người trước đây tìm mọi cách vào Hội nhưng không có khả năng sáng tác, biến Hội thành… phong trào. Nhà văn có đồng ý với quan điểm của nhà thơ Lê Va?

– Tôi rất nhất trí với ý kiến của nhà thơ Lê Va. Và nói thẳng là không riêng gì các Hội địa phương đâu, ngay cả Hội Nhà văn Việt Nam hay các chuyên ngành khác của trung ương cũng thế đó ạ. Nhiều người tìm mọi cách vào Hội nhưng không có khả năng sáng tác, vào xong có “cái thẻ” đi ra oai với thiên hạ, biến Hội thành… phong trào. Anh Lê Va nói phong trào còn nhẹ, tôi còn nghe được có người họ bảo “tên đó” mà còn vào được Hội bảo sao Hội không thành Hôi… Nặng. Nghe đau lắm chứ! Đó cũng là lý do mà thiên hạ (kể cả những người đã từng công tác, tham gia ở các Hội gần đây) quay lại mỉa mai, bôi bác Hội, đòi giải tán Hội vì Hội là gì nhỉ… à nuôi báo cô. Cực đoan với Hội quá thế xem ra cũng… ẩn ức quá!

* Vậy theo nhà văn làm sao để nâng dần tính chuyên nghiệp của các Hội nghề nghiệp của địa phương lẫn trung ương?

– Để các Hội địa phương và cả Hội trung ương có tính chuyên nghiệp thì nhất thiết người tham gia các Hội đó phải có Nghề! Mà có nghề thì thông qua lao động nghề nghiệp anh phải có tác phẩm ít nhất phải được công nhận ở mức độ cấp tỉnh đi đã. Chứ anh tham gia vào Hội nghề nghiệp mà anh không làm nghề, không lao động và không có thành quả gì thì anh tham gia làm gì? Còn với những gì quá khứ đã để lại thì đành lọc dần thôi!

Hội Nhà văn và các Hội chuyên ngành cũng như các Hội địa phương những năm gần đây cũng thấy thanh lọc nhiều rồi. Nhưng nói thật, nếu vẫn còn những kẻ háo danh hão, coi Hội này Hội nọ là cái “oai” thì cũng khó thanh lọc hết lắm! Những “oai sĩ” đó sẽ tìm mọi cách lọt vào dẫu cánh cửa có rất hẹp! Mặt khác, những người làm công tác quản lý ở các Hội thì cũng là do các văn nghệ sỹ bầu lên, kể cả tôi, thường là trọng Tình hơn trọng Lý, thế mới có chuyện: tha thiết xin được kết nạp vào Hội vì “ung thư sắp chết rồi”! Ấy nhưng, có khi cái người ký cho vị “ung thư” được vào Hội lại có cáo phó trước còn vị “ung thư” kia vẫn sống nhe nhởn, vẫn mang thẻ đi doạ ối người tái mặt chứ đùa! Chuyện này thì nhiều nhà văn chân chính lắc đầu… từ chối hiểu!

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền cùng Hội VHNT tỉnh chia sẻ với nhân dân vùng dịch Covid-19

Mạng xã hội giúp nhận ra “chân tướng” của rất nhiều người

* Được biết, với nickname Lý Tả Mẩy, nhà văn còn hoạt động khá thường xuyên trên mạng xã hội. Điều gì bà cảm thấy thích thú cũng như không vừa lòng với thế giới mạng? Bà có cách nhìn và ứng xử ra sao trước những hành vi thiếu văn hóa của một số người mang danh nhà văn, nhà thơ hoặc trí thức, thưa nhà văn?

– Mạng xã hội tuy ảo nhưng lại rất thật. Thứ nhất nó là câu nối “không công” để ta tìm lại được rất nhiều người ta cần tìm mà vốn dĩ thất lạc vì khoảng cách. Thứ hai, với người biết chắt lọc thì đó là cái kho miễn phí cung cấp thông tin nhiều chiều để mình tiếp cận cuộc sống ở một không gian cực kỳ rộng. Còn cái hay nữa là nó tuy ảo nhưng lại thật vì cứ đọc trên facebook, sẽ nhận ra “chân tướng” của rất nhiều người dù họ có cố tình “ẽo” bên này một chút, “ợt” bên kia một xíu, thì họ vẫn bộc lộ chân tướng của họ thôi. Thế nên tôi thích thú khi tham gia mạng xã hội trong khuôn khổ nhất định.

Còn khó chịu với mạng xã hội ư? Thì nó là mạng mà anh, nó là ô hợp, là “tạp phí lù” nên nó thường kéo theo hiệu ứng “đám đông” mà bây giờ người ta gọi là “đu trend”. Ấy thế nhưng cái “đám đông” kia có khi vô tình khiến bao người sống dở, chết dở đấy là còn chưa kể không ít kẻ mang danh nhà văn, nhà thơ hoặc trí thức lợi dụng cái “hỗn mang” của mạng xã hội để thực hiện bôi nhọ, hạ bệ người mà họ coi là đối thủ. Những hành vi thiếu văn hóa ấy rồi cuối cùng cũng bị lộ tẩy thôi, bởi bây giờ người tham gia mạng xã hội cũng khó để bị bịp mắt mãi lắm.

* Khi phần 2 cuộc phỏng vấn này được thực hiện, nhà văn Trương Thị Thương Huyền đã trúng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương. Liệu rồi đây “Bà Hội đồng” có gì khác với nhà văn Trương Thị Thương Huyền bình thường? Qua cuộc phỏng vấn này, bà còn điều gì muốn tâm sự với bạn văn, nhất là với hội viên của mình?

– Nói về nhà văn Trương Thị Thương Huyền ở Hội VHNT tỉnh Hải Dương hay con mụ Lý Tả Mẩy tung tẩy trên mạng xã hội thì nó cũng vẫn vậy thôi anh (cười). Nhưng nói về “Bà Hội đồng” thì dĩ nhiên trách nhiệm với cộng đồng sẽ phải khác rồi. Và với tôi, đương nhiên tôi sẽ thực hiện những gì tôi đã hứa với cử tri khi tiếp xúc trước bầu cử: “Tôi sẽ nói lên tiếng nói của cử tri, của người dân theo cách riêng của mình, cách nói của một công dân là nhà báo, nhà văn”.

HẢI PHÚ thực hiện

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
 

CÂU LẠC BỘ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUẬT BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN - BAN LIÊN  LẠC NỮ CCB BINH ĐOÀN 12 SƯ ĐOÀN 344 TỈNH HẢI DƯƠNG

2017 Bản quyền thuộc về Câu Lạc Sáng Tác Văn Học Nghệ Thuật Bộ Đội Trường Sơn

Nơi trao đổi, giới thiệu và ươm mầm văn học - nghệ thuật - bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Bộ đội Cụ Hồ.

Webmaster:  Nhà thơ. Hoàng Huy - Email: nhathohoanghuy@gmail.com   

Biên tập viên: Thúy Kiều, Lan Vy

Kinh phí ủng hộ gửi về:

Số tài khoản: 237.410.779,  Ngân hàng ACB chi nhánh Thủ Đức, Tp.HCM.


Thư từ liên lạc, bài vở xin gửi về E-Mail:nhathohoanghuy@gmail.com

Website này được sự tài trợ của Trung tâm Nghiên Cứu Cảm Xạ Và Tia Đất - Tp.HCM